5 cách giúp bạn bớt nghĩ đến tai nạn khi bay
Dù tỷ lệ tai nạn hàng không cực kỳ thấp, nhiều người vẫn không thể tránh khỏi cảm giác sợ hãi mỗi khi bước lên máy bay. Các chuyên gia cho rằng, việc lo lắng về các sự cố máy bay là điều phổ biến, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bạn áp dụng một số phương pháp dưới đây.
1. Hiểu rõ thực tế
Dù đôi lúc tin tức về tai nạn hàng không khiến bạn lo lắng, nhưng thống kê cho thấy máy bay thương mại vẫn là phương tiện an toàn nhất hiện nay. Theo các chuyên gia, nguy cơ tử vong trên đường đến sân bay còn cao hơn nguy cơ gặp nạn khi bay.
Ông Martin O’Loughlin, Chủ tịch trường đào tạo phi công Cornerstone Aviation (Mỹ), cho biết va chạm trên không là điều mà phi công luôn lo ngại, nhưng đây là tình huống cực kỳ hiếm gặp. Dù số lượng máy bay tăng và thiếu kiểm soát viên không lưu tạo thêm áp lực, nhưng hệ thống hàng không vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
“Chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ nỗi sợ, nhưng không nên để nó kiểm soát bản thân”, ông nói.
2. Hình dung trước tình huống
Theo Steven Siegel, Chủ tịch Khoa Tâm thần học tại Đại học Nam California, hành khách nên xác định rõ phản ứng của bản thân trong tình huống căng thẳng. Nếu bạn dễ hoảng loạn, hãy chuẩn bị tâm lý từ trước.
Ví dụ, hãy tưởng tượng cảm xúc của bạn khi đèn "thắt dây an toàn" bật sáng, và học cách chấp nhận điều đó. Ngoài ra, nên mang theo những vật dụng giúp trấn an như vòng quay giảm căng thẳng, tinh dầu thơm, hoặc tai nghe có sẵn các bài thiền, nhạc thư giãn.
3. Kiểm soát suy nghĩ
Phản ứng lo âu có thể biểu hiện qua cơ thể như tay run, căng cứng cơ. Theo Phó Giáo sư Lauren Ng (Đại học California, Los Angeles), bạn cần ngăn chặn vòng lặp của suy nghĩ tiêu cực.
Nếu bạn có tư duy logic, hãy nhắc nhở bản thân về tính an toàn của hàng không. Tự hỏi: “Điều gì đang khiến mình sợ?”, “Nỗi sợ đó có hợp lý không?”
Nếu không nghiêng về logic, hãy thử thực hành chánh niệm như thiền, cầu nguyện, hoặc chỉ đơn giản là thừa nhận nỗi sợ nhưng không để nó điều khiển tâm trí.
4. Gọi tên cảm xúc
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc gọi tên cảm xúc giúp giảm lo âu. Thay vì để bản thân rơi vào trạng thái hoảng loạn, hãy thử nói ra cảm xúc: “Mình đang lo lắng vì vừa đọc tin về một vụ tai nạn” – điều này giúp não bộ kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Chia sẻ cảm xúc với người thân hoặc hành khách ngồi cạnh cũng có thể làm dịu tâm trạng. Sự kết nối giúp chuyển hướng suy nghĩ khỏi nỗi sợ hãi.
5. Thả lỏng cơ thể
Lo âu không chỉ nằm trong suy nghĩ mà còn ảnh hưởng đến cơ thể. Khi căng thẳng, cơ thể bạn có thể phản ứng bằng việc siết chặt tay hoặc nín thở. Vì vậy, hãy bắt đầu giảm căng thẳng từ thể chất: đặt tay thư giãn trên tay vịn, không siết chặt.
Emiliana Simon-Thomas, Giám đốc khoa học tại Trung tâm Khoa học Greater Good (Đại học California), khuyến khích thực hành các bài tập thở sâu. Nguyên tắc quan trọng là “thở ra lâu hơn thở vào”, giúp đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn.
Bạn cũng có thể đọc sách, xem phim, chơi trò chơi – không phải để đánh lạc hướng, mà là để tìm lại cảm giác bình thường, vui vẻ. Theo Phó Giáo sư Alissa Jerud (Đại học Pennsylvania), điều quan trọng là không chống lại nỗi sợ, mà học cách đối mặt với nó.
“Đối mặt với nỗi sợ cũng như tập thể dục. Ban đầu có thể khó chịu, nhưng kiên trì sẽ trở nên quen thuộc và mạnh mẽ hơn”, bà chia sẻ.