Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định việc tăng giá trần vé máy bay

01/03/2024

Trao đổi với báo chí sáng 28-2 bên lề Hội nghị hàng không quốc tế 2024 (International Airline Symposium), ông Lê Hồng Hà cho biết Việt Nam là một trong số ít những nước còn kiểm soát giá trần và giá sàn vé máy bay nội địa.

Trong tương lai, khi thị trường cởi mở, khi có sức cạnh tranh cao, cần để giá vé máy bay do thị trường điều tiết.

Giá vé máy bay phụ thuộc quy luật cung cầu

Theo ông Hà, từ ngày 1-3 giá trần vé máy bay nội địa tăng trung bình 3,75% so với giá trần được áp dụng từ năm 2015.

Việc điều chỉnh giá trần là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp được chi phí đầu vào của hàng không, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỉ giá tăng mạnh trong gần 10 năm qua.

Đồng thời giá trần vé máy bay nội địa tăng cũng là cơ hội để các hãng điều chỉnh dải giá trên các đường bay nội địa.

Vietnam Airlines sẽ có cơ hội tiếp tục đầu tư chất lượng dịch vụ ở phân khúc giá mà khách hàng có khả năng chi trả cao, nhưng cũng có được mức giá thấp hơn cho hành khách có khả năng chi trả thấp, trong giai đoạn thấp điểm của thị trường, có nhiều chương trình khuyến mại hơn.

Do vậy, việc tăng giá trần vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các hãng và khách hàng theo chính sách chung của Nhà nước.

Về giá vé máy bay nội địa năm 2024, ông Hà cho rằng phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường.

Thực tế Tết Nguyên đán 2024 thị trường vận tải hàng không nội địa có tăng trưởng so với Tết 2019, 2020, nhưng so với Tết Nguyên đán 2023 lại giảm 13%. Sự thay đổi thị trường hàng không nội địa trong giai đoạn vừa rồi khiến đánh giá sẽ khó khăn.

Sau Tết Giáp Thìn, sân bay Nội Bài phục vụ ngày cao điểm nhất gần 38.000 lượt hành khách quốc tế, vượt qua ngày cao nhất của năm 2019 (37.000 lượt khách)

Hàng không phục hồi lại gặp khó về chuỗi cung ứng

Theo ông Hà, thị trường vận tải hàng không đang có tín hiệu phục hồi nhanh hơn dự báo. Khách ở từ châu Âu, Úc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á đang quay trở lại Việt Nam nhiều hơn.

Tuy nhiên, khách Trung Quốc và Nhật Bản chưa đến Việt Nam nhiều như năm 2019.

Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn gặp thách thức lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực đã xảy ra từ đại dịch COVID-19 khiến động cơ, phụ tùng, cơ sở bảo dưỡng máy bay vẫn thiếu.

Một động cơ máy bay Airbus A350 trước đây cần 100-120 ngày để bảo dưỡng, nhưng hiện cần đến 250-300 ngày.

Đặc biệt, có hơn 3.500 động cơ NEO trên máy bay Airbus A321, A320 phải triệu hồi để kiểm tra lỗi, khiến Vietnam Airlines có 12 máy bay A321 (thuộc đội bay thân hẹp gần 60 chiếc của hãng) phải dừng bay để kiểm tra trong năm 2024.

Việc này khiến Vietnam Airlines phải tập trung giải pháp quản trị để khai thác ổn định, hiệu quả hơn với đội máy bay hiện tại nhằm tăng năng suất, bù đắp thiếu hụt tải cung ứng khi nhiều máy bay đưa vào bảo dưỡng.